Trang chủ  >> Điểm đến du lịch  >>  Điểm đến du lịch miền Trung  >> Thắng cảnh ở Hà Tĩnh

18/09/2012  |

2220   lượt xem  |

0   Nhận xét  

Hà Tĩnh là một tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Trước đây, Nghệ An cùng với Hà Tĩnh là một miền đất có cùng một tên chung là Hoan Châu


 

Hồ Kẻ Gỗ

 

Trước đây chỉ được biết đến Kẻ Gỗ qua lời một bài hát, mang nặng tình yêu quê hương của tác giả Nguyễn Văn Tý. Nay trở lại Kẻ Gỗ mới thấy hết ân tình của người đã gửi gắm cả tâm tình của mình vào đó thật chẳng sai.

 

Nằm cách trung tâm thị xã Hà Tĩnh chưa đầy 20km về phía Tây Nam khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kẻ Gỗ có diện tích tự nhiên 35,159ha, Hồ Kẻ Gỗ toạ ở địa phận hành chính của ba huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

 

Hồ Kẻ Gỗ được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/1976 và hoàn thành vào ngày 26/3/1979. Nó là công trình đại thuỷ nông với trữ lượng 350 triệu m3 nước, tưới cho gần 17.000 ha lúa, mùa, vùng đất thuộc huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Hà Tĩnh và phía Bắc huyện Kỳ Anh. Hồ Kẻ Gỗ còn là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào cho các vùng dân cư với chiều dài hơn 30 km. Hồ len lỏi giữa các triền núi, như chiếc gương khổng lồ soi bóng những dãy núi, những rừng cây ngút ngàn.

 

 

Ngã ba Đồng Lộc

 

Ngã ba Đồng Lộc như một lòng chảo nằm giữa ba dãy núi thấp: núi Trọ Voi ở phía đông bắc, núi Mũi Mác ở phía tây nam, núi Môi ở phía đông. Vây quanh ngã ba này có cầu Bạng, cầu Cóc, cầu Tối và cống 19. Khi các cầu cống trên quốc lộ IA bị địch đánh sập thì ngã ba Đồng Lộc trở thành yết hầu giao thông quan trọng nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn anh hùng. Vì thế địch tập trung hoả lực hòng biến vùng này thành vực thẳm, ngăn chặn sự chi việc của miền Bắc đối với miền Nam.

Người dân Đồng Lộc và nhiều xã thuộc huyện Can Lộc đã có 12.600 lượt người tham gia, góp trên 185.450 ngày công, vận chuyển 45m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre và 24.600 gánh cành, chống lầy. Tiêu biểu là tập thể 10 cô gái tiểu đội 4 thuộc tổng đội 55 TNXP do Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng đã lập nhiều chiến công oanh liệt. Cuộc sống, sinh hoạt giữa vùng chảo lửa của cuộc chiến tranh đời sống vật chất cũng như tinh thần gặp nhiều khó khăn, nhưng các chị: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Hà Thị Xanh, Trần Thị Rạng, Nguyễn Thị Xuân, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường, Võ Thị Hợi, Dương Thị Xuân vẫn luôn lạc quan yêu đời, thương yêu, đoàn kết động viên nhau không quản ngày đêm cùng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Tiểu đội 4 đã đào đắp hàng ngàn m3 đất đá, san lấp hàng ngàn hố bom, hướng dẫn hàng trăm chuyến xe, cứu hàng trăm chuyến hàng.... và 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc đã để lại nhiều kỷ niệm, tình cảm, ấn tượng đẹp cho chiến sỹ, đồng đội, cho những đoàn xe chở hàng vượt qua chảo lửa trên đường hành quân vào mặt trận. Ngày 24-7-1968 cùng một lúc 10 cô gái trong tiểu đội TNXP Võ Thị Tần đã anh dùng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ. Các chị đã hiến trọn cả tuổi đời thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng đất nước và “Tên tuổi của 10 cô đã được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới nhắc đến như một kỳ tích anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng”. Với cống hiến to lớn đó năm 1972 tiểu đội TNXP Võ Thị Tần đã được Nhà nước tặng thưỏng các huân chương và truy tặng danh hiêu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

 

Biển Thiên Cầm

 

Đến Thiên Cầm vào một ngày nắng đẹp, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng. Vẫn là cái nắng, gió của vùng biển nhưng sao lại trong trẻo và dịu dàng đến thế. Thiên Cầm vẫn mang đậm nét hoang sơ mới mẻ như chưa từng có dấu tích của con người. Bờ biển sạch, cát trắng mịn, nước trong vắt, lãng mạn, yên tĩnh, từng con sóng đuổi dài từ xa vào bờ nhẹ nhàng êm dịu.

 

Thiên Cầm là một bãi biển còn khá hoang sơ, hoang sơ không chỉ ở thiên cảnh mà còn ở cả con người và dịch vụ nơi đây. Ngày nay Thiên Cầm vẫn đang được xây dựng và đưa vào khai thác sao cho xứng tầm với những gì mà thiên nhiên đã ban tặng.

 

 

Chùa và hồ Thiên Tượng

 

Một trong những thắng cảnh của Hồng Lĩnh là Chùa và Hồ Thiên Tượng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.

 

Chùa Thiên Tượng thuộc xã Trung Lương, nằm trên ngọn núi Thiên Tượng. Chùa được dựng vào đời Trần, vốn là một thắng cảnh đẹp, đã có nhiều tao nhân mặc khách đến và để lại những bài thơ nổi tiếng.

Ðến đầu thế kỷ 19, chùa Thiên Tượng vẫn là ngôi chùa đẹp, là chốn u tịch, thâm nghiêm, nhưng vào năm Ất Dậu 1885, sau biến cố kinh thành Huế, vua tôi Hàm Nghi chạy ra Sơn Phòng, Hương Khê phát động phong trào Cần Vương thì vùng Hồng Lĩnh cũng trở thành nơi hoạt động chống thực dân Pháp. Vì vậy, thực dân Pháp đã cho đốt chùa và tàn phá chùa thành phế tích. Ðến năm 1901, Tổng đốc An Tĩnh là Ðào Tấn đã cho trùng tu xây dựng lại chùa.

 

Chùa Thiên Tượng có thượng tịnh, hạ tịnh, có Lưu Ðức tháp và Thạch Sơn tháp, trong chùa có chuông Ðại Hồng và nhiều tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao... Khuôn viên chùa chừng 150.000 m2 được giới hạn bởi hai suối lớn (suối Bắc và suối Nam) cả hai đều bắt nguồn từ đỉnh Thiên Tượng mà hợp thành. Ðường lên chùa được xếp đá công phu theo từng bậc như thang đá. Từ chùa nhìn xuống thị xã Hồng Lĩnh đẹp như một bức tranh.

 

 

Hồ Thiên Tượng không chỉ là thắng cảnh đẹp, hấp dẫn du khách mà còn là nơi tĩnh dưỡng tâm hồn, là "trung tâm điều hòa nhiệt độ" và cung cấp nguồn nước trong lành cho nhân dân thị xã.

 

Dưới Hồ Thiên Tượng là Suối Tiên, tương truyền đây là nơi xưa tiên tắm và còn để lại dấu chân tiên trên đá Thạch Bàn. Quanh năm Suối Tiên rì rào chảy, tạo thành bản nhạc êm đềm bên Hồ Thiên Tượng giữa núi non xanh mát ngàn thông.

 

 

Khu lưu niệm Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền

 

Họ Nguyễn Tiên Điền là dòng họ nổi tiếng “Trâm anh thế phiệt”, có nhiều người tài năng thành đạt trên con đường văn chương, khoa cử, y học, sử học cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

 

Nhà thờ Nguyễn Du được xây dựng vào năm 1825 trên mảnh vườn nhà tại làng Tiên Điền. Trong nhà có bàn thờ bằng vôi cát, một bàn nhỏ để góc bút nghiên, trên bàn thờ có một bức hoành đề chữ “ Hồng Sơn thế phả” do Hoàng Phù phái tước Trung hiến Đại phu tặng vào năm thứ 55 triều Càn Long đời nhà Thanh, phía ngoài nhà thờ treo bức đề chữ “ Địa linh nhân kiệt”.

 

Từ cổng chính đi vào bên phải nhà thờ Nguyễn Du là nhà trưng bày bảo tàng. nội thất nhà trưng bày ngoài một số tài liệu tranh ảnh minh hoạ tác phẩm của Nguyễn Du thì có một số hiện vật quý như: nghiên mực, đĩa mai hạc Nguyễn Du được tặng trong thời gian đi sứ, nậm và chén uống rượu, gạc nai treo áo, la bàn dùng đi săn, bức phù điêu bằng gỗ ghi lại hình ảnh rước Tiến sĩ, hoàn sắc của Nguyễn Nghiễm.

 

Từ khóa : ,

 

Các bài viết liên quan