Trang chủ  >> Điểm đến du lịch  >>  Điểm đến du lịch miền Bắc  >> Thắng cảnh ở Hải Phòng

18/09/2012  |

2112   lượt xem  |

0   Nhận xét  

Nằm trong ba trung tâm du lịch lớn ở miền Bắc Việt Nam là Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long. Hải Phòng có khu nghỉ mát với những bãi biển lượn quanh bán đảo Đồ Sơn, vươn ra biển đông tới 5km. Hiện nay, Hải Phòng còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa như đền, chùa, miếu, nhiều thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế.

 

Đồ Sơn

Bán đảo Đồ Sơn nằm cuối đường 353 đi ra biển, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 22 km về phía Đông Nam, nằm giữa 2 cửa sông Lạch Tray và sông Văn Úc

 

Là bán đảo với đồi núi, rừng cây nối tiếp nhau vươn ra biển đến 5 km. Đồ Sơn có khí hậu vùng biển nhiệt đới gió mùa. Từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch, nhiệt độ tăng dần, cao nhất vào tháng 7, có khi tới 37°C. Tháng 10 và tháng 12 trời mát mẻ. Mùa rét bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 2, có khi kéo dài đến đầu tháng 3, nhiệt độ thấp nhất xuống tới 8°C. Địa hình Đồ Sơn ví như một con Rồng đang chầu về viên ngọc là Hòn Dáu. Sách cổ gọi núi Đồ Sơn là Cửu Long - chín rồng với câu ca rằng: " Chín con theo mẹ ròng ròng .Còn một con út nẩy lòng bất nhân."

 

Con út ở đây là núi Độc, đứng riêng hẳn ra ở đầu bán đảo. Thực ra có tới 15 điểm cao từ 25m đến 129m trong dãy núi này, cao nhất là Đồn cao. Trên đỉnh núi còn những dãy tường thành, dấu vết đồn luỹ của Phạm Đình Trọng, một tướng Chúa Trịnh đi đàn áp cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu, thế kỷ 18.

 

Cách đây 4000 năm, thời Vua Hùng dựng nước, đất Đồ Sơn đã có tên là Bộ Thang Truyền. Qua các triều đại đổi tên nhiều lần, đến đời Trần mới gọi là Đồ Sơn. Ngay từ ngày đầu đặt chân đến Hải Phòng, người Pháp đã xây dựng Đồ Sơn thành khu nghỉ mát nổi tiếng cho sĩ quan Pháp và giới thượng lưu người Việt Nam. Năm 1950, xây dựng sân bay Đồ Sơn.

 

Đồ Sơn chia làm 3 khu, đều có bãi tắm biển, đồi núi, rừng thông yên tĩnh, thoáng mát. Khu I, có 3 bãi tắm chứa được hàng chục ngàn người với nhiều khách sạn lớn. Theo đường giao thông dọc bờ biển đến khu II, bãi tắm tuy hẹp hơn nhưng mịn màng hơn, có nhiều khách sạn và biệt thự ẩn mình trong rừng thông, có tòa nhà của ông vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại. Khu III có bãi tắm nhỏ, cạnh đó là nhà hàng kiến trúc như một ngôi chùa, nên còn gọi là Pagodon. Trên đồi thông thấp thoáng một số biệt thự mới xây, đầy đủ tiện nghi cho khách du lịch nghỉ mát dài ngày.

 

 

Đảo hòn Dấu

 

Xa xưa trong những cuộc vận động của thềm lục địa, một phần dãy núi đã tách khỏi bán đảo Đồ Sơn trôi dần ra phía biển, trở thành cửa ngõ của Hải Phòng. Trong con mắt người xưa, non sông luôn mang hình tượng, đảo Hòn Dấu có chín con rồng chầu về viên ngọc.

 

Nhìn từ trên cao xuống, Hòn Dấu với Đồ Sơn như một dấu chấm than khoét vào lòng biển cả mênh mông, thế đất cũng tựa như đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc.

 

Từ bến Nghiêng, con tàu chở du khách lướt trên những con sóng uốn lượn, chỉ khoảng 20 phút, màu xanh ngút ngát của chốn núi rừng hoang sơ đã ùa vào trước mắt, khoe vẻ đẹp thanh khiết giữa mặt biển.

 

Đền thờ Nam Hải Thần Vương ngự ngay cạnh bến tàu, vẻ đẹp linh thiêng được tôn lên nhờ bãi sỏi uốn lượn như muôn ngàn nốt nhạc vô thanh thả xuống rì rào sóng biển. Truyền thuyết kể rằng sau một trận thủy chiến đánh tan giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, người dân trên đảo thấy một tử thi cụt đầu trôi vào đảo. Nhìn quần áo của Ngài, biết là tướng nhà Trần tử trận, bà con bèn lập đền thờ. Tương truyền thần Nam Hải rất linh thiêng, nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả một lá cây, sẽ bị Ngài phạt, phải đem trả lại mới yên. Chính vì thế đảo luôn vẹn nguyên, cống hiến cho du khách cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.

 

Đường lên đảo len lỏi giữa rừng đa nguyên sinh thuần nhất. Đi dưới mái vòm lợp bằng lớp lớp tán cây cổ thụ, dây leo chằng chịt, những chùm rễ si buông xuống như tơ liễu, cảm giác vô cùng thơ mộng, thú vị. Rừng ở đây còn vẹn nguyên cả ba tầng thực vật, cơ man những gốc cây cổ thụ to lớn, điểm xuyết những cây thân thảo, thân bò, thân leo gieo vào lòng du khách cảm giác hoang vu. Người lính biên phòng nơi đây kể: thuở trước trên đảo rất nhiều khỉ, chúng ồn ào trên những tàng cây, bày đủ trò để trêu ghẹo lính đảo và du khách.

 

Rừng nguyên sinh ở Hòn Dấu

Đồn biên phòng đóng trên đảo có nhiệm vụ bảo vệ và vận hành trạm Hải Đăng. Đảo có nhiều hạng mục công trình quan trọng: kho dầu hỏa, nhà làm việc, nhà ở cán bộ, chiến sĩ, nhà ăn, cột báo hiệu, nhà triều ký, nhà hoa tiêu, trạm nghỉ ngơi dành cho khách du lịch.

 

Công trình kỳ vĩ nhất, tâm điểm của khu du lịch chính là ngọn Hải Đăng. Đèn Hòn Dấu được người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1892 - 1896. Tháng 6-1898, đèn chính thức hoạt động. Tháp cao năm tầng, đỉnh đèn cao 140m so với mặt nước biển, ánh sáng được phát ra từ độ cao 65m so với chân tháp. Ban đầu, tháp đèn được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối với các hoa văn rất đẹp. Do chiến tranh tàn phá, qua nhiều lần sửa chữa, đèn gần như được xây dựng lại hoàn toàn.

 

Người lính biên phòng trên đảo cho hay trong những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, đèn là mục tiêu ném bom của máy bay địch. Mỗi khi máy bay địch xuất hiện, hải đăng Hòn Dấu vụt tắt, nhưng khi chúng bay đi, đèn lại tỏa sáng.

 

Cây đèn biển đã trên trăm tuổi, được mệnh danh là mắt ngọc của Tổ quốc. Cao như một tháp pháo đài cổ vút lên giữa đảo, trên cùng là ngọn hải đăng chiếu xa tới 24 hải lý (khoảng 40km). Những con tàu trên biển xa khi bắt được ánh sáng hải đăng Hòn Dấu là sắp trở về bến đậu. Lối lên đỉnh tháp theo hình xoáy trôn ốc với 125 bậc gỗ. Đứng trên đỉnh cao hàng chục mét đón cơn gió căng tràn sức sống của biển sẽ thấy đất trời vô cùng. Thưởng thức món ăn hải sản trên lầu vọng gió, phóng tầm mắt ra bốn phương cao rộng, dâng tràn trong lòng ta sự hào sảng khôn cùng.

 

 

Bến Nghiêng & Bến tàu không số

 

Cảnh đẹp ở khu du lịch Đồ Sơn không chỉ là những đồi thông và bãi tắm trải dài, mà nơi đây còn ẩn chứa tiềm năng du lịch rất phong phú, thu hút du khách đến tham quan. Bến Nghiêng & Bến tàu Không số là một trong những điểm du lịch hấp dẫn đó.

 

Bến Nghiêng - Đồ Sơn hiện là bến đỗ của tàu ra thăm đảo Hòn Dáu. Nơi dây cũng là Cảng xuất phát của tàu du lịch đảo Cát Bà, vịnh Hạ Long, Móng Cái.

 

Cách đây hơn 50 năm, ngày 15/5/1955, tại bến Nghiêng, tên lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi miền Bắc theo Hiệp định Giơnevơ - Hiệp định đình chiến giữa chính phủ thực dân Pháp và nước Việt Nam dân chủ cộng hoà sau 9 năm kháng chiến gian khổ.

 

Bến tàu Không số ở chân đồi Vạn Hoa cạnh thung lũng xanh, hiện có khách sạn 100 phòng của Công ty Du lịch quốc tế Đồ Sơn. Dấu tích cầu cảng k15 xưa nay chỉ còn lại những cột bê tông. Cầu cảng này được xây dựng và bảo vệ bí mật, là nơi đỗ của những chiếc tàu không số, chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.

 

Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ chở 30 tấn vũ khí đầu tiên đã xuất phát ở đây. Sau 6 ngày lênh đênh trên biển cả, tàu đã cập bến tại Cà Mau, chuyển giao toàn bộ vũ khí cho quân khu 9. Tất cả có gần 100 tàu thuyền với tổng số 168 chuyến đi xuất phát tại đây - con đường được mệnh danh là "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển".

 

“Bến tàu không số”, điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, vừa được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2008.

 

Được xây dựng trên đỉnh Ngọc Sơn, tháp Tường Long trông như cây bút đang vẽ lên nền trời xanh và biển rộng là đài nghiên thiên nhiên vô tận. Qua thư tịch cổ và những vết tích còn lại, tháp Tường Long gần như là khu tượng đài hoành tráng kỉ niệm nhà Phật, một trạm quan sát tiền tiêu và là hành cung của nhà vua ở miền biển đông bắc của quốc gia Đại Việt.

 

Ngọn tháp này đã từng được liệt vào hạng đại danh lam cùng với chùa Long Đọi (Duy Tiên - Nam Hà), chùa Một Cột, tháp Báo Thiên, chùa Thắng Nghiêm, Chân Giáo... (Hà Nội), tháp Chương Sơn (ý Yên - Nam Hà)... dưới triều nhà Lý (1010 - 1225). Từ tháp Tường Long đến chùa Vân Bản là bước tiến dài của nghệ thuật kiến trúc và tạo hình Phật giáo ở Đồ Sơn. Chùa tháp Tường Long là một điển hình của sự kết hợp giữa nghệ thuật sáng tạo của con người với nghệ thuật vô thức của tạo hoá, giữa chúng có sự bổ sung, tô điểm cho nhau.

 

Cùng với di tích lịch sử văn hoá đình Ngọc, suối Rồng, tháp Tường Long tạo ra một quần thể du lịch sinh thái - lịch sử - văn hoá nổi tiếng của miền sóng, miền gió Đồ Sơn, Hải Phòng

 

Đền bà Đế

Đền Bà Đế nằm ở chân núi Độc, thuộc phường Ngọc Hải, Quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng. Đền Bà Đế là một trong những đền nổi tiếng về danh thắng và linh thiêng.

 

Ðền thờ bà Đế - vợ chúa Trịnh Giang. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm và ban sắc phong “Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân”.

 

Ðền có cấu trúc giản dị nhưng thanh thoát và trang nhã, nép mình vào lưng núi, trước mặt là biển khơi bao la, tạo nên một kỳ quan thiên nhiên độc đáo không thua gì “Nam thiên đệ nhất động - Chùa Hương”.

 

Như bao đình chùa, miếu mạo ở nước ta thường được hình thành bắt nguồn từ một sự tích. Tương truyền vào năm 1718, ở phía đông nam vùng Ngọc Ðồ Sơn có đôi vợ chồng họ Ðào, đã hai mươi năm không có con. Hai vợ chồng tu thân, tích đức, cầu xin trời phật cho một mụn con. Trời phật động lòng, chứng giám, rồi báo mộng cho người vợ được mang thai. Tròn ngày, tròn tháng, đứa bé ra đời và được đặt tên là Ðào Thị Hương. Từ khi sinh ra, người đứa trẻ đã toả hương thơm ngát và đi đến đâu cũng có làn mây che đến đó. Càng lớn lên đứa trẻ (Bà Ðế) càng xinh đẹp.

 

Bà Ðế rất khéo tay, siêng năng mọi việc. Hàng ngày bà đi chăn trâu, cắt cỏ, tay làm, miệng hát, tiếng hát ngân vang cả núi rừng. Người ta nói rằng, tiếng hát của bà làm đất trời lặng đi để lắng nghe.

 

Vào năm 1736, chúa Trịnh Giang về kinh lý Ðồ Sơn. Chúa cùng đoàn người dạo thắng cảnh bằng thuyền rồng trên núi Ðộc. Xúc động trước tiếng hát mượt mà, chúa truyền cho quân lính đi tìm người hát. Khi gặp được bà với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, chúa yêu mến và quyến luyến không rời. Khi về kinh đô, chúa có hẹn ngày về đón bà.

 

Bà mang thai, trong lòng rất lo sợ, ngày đêm trông ngóng thuyền hoa của chúa. Hàng Tổng biết chuyện đòi phạt tiền. Nhà nghèo không có tiền nộp phạt, hàng tổng đem bà ra khu núi Ðộc rồi dìm bà xuống biển.

 

Trước khi chết, bà ngửa mặt lên trời khóc than rằng: "Phận gái thân cô, gặp chúa yêu thương tôi đâu dám chống, nhìn mẹ cha, hàng xóm tôi đâu dám quên. Xin trời phật chứng giám cho lòng con. Khi con bị dìm xuống nước, nếu có oan ức, trời phật cho con nổi lên ba lần".

 

Quả nhiên bà nổi lên ba lần, mọi người ai nấy đều kinh sợ. Sau một tháng, thuyền hoa của chúa về rước bà về kinh. Biết chuyện oan khuất, chúa Trịnh Giang cho xây đền, lập đàn giải oan cho bà. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm ban sắc phong: Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân.

 

Người đời sau thương tiếc nhiều danh nhân đã đề thơ ca ngợi:

"Lòng sáng như băng trời đất biết

Nỗi niềm thành kính quỷ thần hay

Ðế Bà hương lửa nghìn thu ấy

Ðể giải hồn oan cõi thế này"

Từ bấy đến nay, khách thập phương tấp nập trẩy hội đền Bà Ðế. Người ta đến để xin tài, xin lộc và đặc biệt cùng bà giải mọi nỗi oan khuất mà mình gặp phải

 

 

 

Từ khóa : ,

 

Các bài viết liên quan