Trang chủ  >> Điểm đến du lịch  >>  Ẩm thực Việt Nam  >> Nhớ cơm phố Mía - nhớ chè Đông Viên

20/09/2012  |

2366   lượt xem  |

0   Nhận xét  

 Xã Đường Lâm, xưa nay được nhiều người quan tâm biết đến và ngưỡng mộ không phải chỉ vì là xã có phong trào sản xuất và chiến đấu giỏi, là đất có hai vua Bố Cái Đại Vương (719) và Ngô Quyền (939-944), mà còn là là địa phương còn có nhiều dấu tích của một làng Việt cổ với nhiều di tích lịch sử, nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc cổ có giá trị đã được Bộ Thể thao Văn hóa và Du lịch xếp hạng.

 Đường Lâm là nơi có một bề dày lịch sử với những di chỉ khảo cổ học từ thời kỳ đồ đá mới, thu hút mỗi năm hàng nghìn khách trong và ngoài nước tới thăm và nghiên cứu.

 

Qua bao thăng trầm lịch sử, Đường Lâm cũng đã bao lần thay đổi tên gọi do chia làng, tách tổng. Khi thì gọi là Đường Lâm Cổ ấp (thời Bắc thuộc), lúc thì đổi làng Cam Giá (cây mía ngọt), rồi lại gọi là Cam Tuyền (suối nước ngọt) hay Cam Đường, Cam Lâm (rừng cây ngọt). Thời kỳ độc lập tự chủ sau lại tách ra làm 2 tổng Cam Giá Thượng, thuộc huyện Tiên Phong, Quảng Oai và Cam Giá Thịnh, thuộc huyện Phúc Thọ tức là xã Đường Lâm ngày nay (thời Pháp thuộc), và cho đến nay lại trở lại cái tên cũ của thời xa xưa là xã Đường Lâm (1964).

 

Đường Lâm còn là quê hương của cây "mía de," tên gọi của người con gái xinh đẹp, nết na của vua Hùng thứ 16 tên là Mỵ - Ê, đã từng về đây dạy dân trồng mía, kéo mật trộn đường, cũng vì vậy mà vùng này có tên là "Kẻ Mía" (đọc trệch dần âm cổ là Mỵ - Ê mà thành).

 

Đường Lâm còn có "đường cái quan" (nay là đường quốc lộ 1A) đi từ kinh đô Thăng Long lên các tỉnh phía Bắc, có "nhà trạm" cho các dịch tá, phu trạm tạm nghỉ chân khi chuyển công văn giấy tờ từ triều đình về các địa phương trong nước (trong thời phong kiến) và đã từng là địa điểm đóng các lỵ sở của trấn Sơn Tây (cũ) thời Hậu Lê.

 

Xưa kia nhân dân trong trấn thường qua lại ngược xuôi buôn bán theo đường này nên có 4 phố hàng là Phố Bánh, phố Văn Miếu, phố Mía và phố Ba Gò.

 

Khách qua đường thường dừng chân nghỉ lại và thưởng thức những món đặc sản bình dân, ngon lành và nổi tiếng, do những bàn tay khéo léo làm ra. Nhiều món ăn đã được mọi người ca ngợi và đã đi vào câu ca dao cổ: "Chàng đi nhớ cháo làng Ghề, nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đông Viên."

 

Thậm chí có những món ăn còn để lại cho khách qua đường một ấn tượng sâu sắc không sao bỏ qua được: "Mặc cho cha đánh mẹ đe, em cũng chẳng bỏ bát chè Đông Viên."

 

Vào mùa Hè nóng bức, khách đường xa thường rẽ vào các quán hàng ở dọc đường cái quan, ngồi nghỉ mát dưới gốc những cây bàng, cây gạo cành lá xum xuê, và thong thả thưởng thức bát chè Đông Viên (chè nấu bằng đậu đen bung dừ cùng với "mật chè" (mía de) và bột lọc (làm bằng củ hoàng tinh). Sau phút ấy, người đi đường thấy tinh thần thật sảng khoái, như đã trút hết mệt nhọc để lại tiếp tục cuộc hành trình.

 

 

Từ khóa : ,

 

Các bài viết liên quan