Trang chủ  >> Điểm đến du lịch  >>  Điểm đến du lịch miền Bắc  >> Thắng cảnh ở Hạ Long

18/09/2012  |

2539   lượt xem  |

0   Nhận xét  

Vịnh Hạ Long có bờ biển dài 120 km và cỡ khoảng 1.553 km2 với 1969 hòn đảo nhỏ. Một số các đảo rỗng với các hang động lớn, các hòn đảo khác là nơi sinh sống của 200 loài cá và 450 loại động vật thân mềm khác nhau

1.Đảo Ti Tốp

Vị trí: Đảo Ti Tốp trên Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Ðặc điểm: Hòn đảo này được Bác Hồ đặt theo tên của nhà du hành vũ trụ Giéc Man Ti Tốp người Nga, nhân dịp Bác cùng ông tới thăm vịnh Hạ Long vào năm 1962.

Hòn Ti Tốp nằm cách hang Bồ Nâu chừng 1km về phía bắc, là hòn núi có bờ dốc đứng, một bờ nghiêng với một bãi cát trắng, phẳng ngay dưới chân. Các tàu du lịch thường ghé vào đây. Du khách lên bờ để tắm biển hoặc leo lên một chiếc lầu ở lưng chừng và một chiếc khác ở trên đỉnh núi để ngắm cảnh từ trên cao.

Bãi tắm Ti tốp có hình vầng trăng ôm trọn lấy chân đảo, bãi cát tuy nhỏ nhưng rất thoáng đãng và yên tĩnh, bốn mùa nước sạch và trong xanh. Hiện nay tại bãi tắm này đã có một quầy bar, có dịch vụ cho thuê áo tắm, phao bơi, tắm nước ngọt. Có dịch vụ cho thuê mô tô nước, dù bay. Nước ngọt được Ban Quản lý Vịnh cho vận chuyển từ đất liền ra. Bãi tắm này hiện đang thu hút rất nhiều khách ra tắm biển và thăm đảo.

2. Đảo Cô Tô

Cô Tô là một quần đảo nằm trong vịnh Bắc Bộ bao gồm các đảo Cô Tô lớn, đảo Cô Tô nhỏ, đảo Thanh Lâm, đảo Trần và vô số hòn đảo nhỏ khác... Ngoài tắm biển, du khách còn có thể thăm quan rừng tự nhiên, hải đăng, khu tưởng niệm và tượng Hồ Chí Minh, cầu cảng, làng đánh cá, các vịnh biển, bãi đá tự nhiên... 

Để đến Cô Tô, từ Hà Nội, bạn đi xe buýt từ bến xe Hà Đông, Mỹ Đình, Lương Yên đến thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn - Quảng Ninh). Từ cảng Cái Rồng hàng ngày có 2 chuyến tàu đi Cô Tô và ngược lại. Tàu sẽ chạy trong lòng vịnh Bái Tử Long, vượt qua đảo Quan Lạn để tới Cô Tô, mỗi chuyến đi mất từ 3 đến 3,5h tùy thời tiết. Hiện tại dịch vụ phục vụ cho du lịch tại Cô Tô còn khá nghèo nàn. Cả huyện đảo chỉ có cơ sở lưu trú lớn nhất là nhà khách UBND huyện và hai nhà nghỉ nhỏ của tư nhân. Trên đảo ngoài chiếc taxi duy nhất, bạn có thể thuê xe máy của người dân tại đây. 

3. Đảo Thanh Lân

Thanh Lân là một xã Đảo thuộc Huyện Cô Tô với diện tích 27km2 với nhiều bãi biễn hoang sơ thơ mộng rộng khắp quanh đảo, các bãi đá trầm tích có từ hàng nghìn năm tuổi - Đá ở đây rất mịn và không rêu có thể nói là sự khác biệt với nhiều địa danh trên thế giới, Với những cánh rừng nguyên sinh mà gần như mỗi bước chân ta đi trên những con đường của Thanh Lân là những cảm nhận khác nhau. Đồi uốn lượn theo những bãi cát dài đẹp tựa như những nàng tiên đang thả mình tắm ngắm biển. Nếu bạn đặt chân tới cô tô hãy bỏ chút thời gian để thăm thú Thanh Lân chỉ 25.000đ vé tàu khách sẽ đưa bạn qua đảo Thanh Lân

4. Hòn Đá Chọ

Hòn Gà Chọi nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long, cách bến tàu du lịch 5 km, phía trước là hòn Đỉnh Hương. Giữa một vùng biển nước bao la, đảo Gà Chọi xinh đẹp mọc lên từ đáy nước xanh thẳm.
Lúc bình minh lên từ phía đảo xa, hòn Gà Chọi đỏ rực rỡ, hai chú gà lực lưỡng khổng lồ đang chọi nhau trên sóng nước mênh mông, mỗi chú cao tới 12 mét, dáng đứng chênh vênh, chiếc chân tí xíu đỡ tấm thân khổng lồ tưởng chừng chỉ cần một cơn sóng vỗ mạnh, cả khối đá nặng ấy có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Nhưng không, đã hàng trăm triệu năm trôi qua, hòn Gà Chọi vẫn đứng đó, chính sự mất cân đối của nó đã tạo nên sự hấp dẫn mê hồn với du khách. Đã có rất nhiều bức ảnh, tranh vẽ về đôi gà chọi với nhiều góc độ và thời gian khác nhau nhằm khai thác và mô tả vẻ đẹp của hòn Gà Chọi.

5. Chùa Cái Bầu

Ngày 07/12/2007, chùa được khởi công xây dựng trên tổng diện tích 20 ha, với tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng bằng nguồn vốn huy động xã hội hóa và khánh thành giai đoạn I vào cuối năm 2009. Chùa ở gần khu du lịch Bãi Dài nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ bên bờ Vịnh Bái Tử Long. Với vị trí lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, đây có lẽ là một trong những ngôi chùa có vị trí đẹp nhất trong hệ thống chùa của Việt Nam. Đây còn là Thiền viện Giác Tâm, một trong hai thiền viện phật giáo của Quảng Ninh.

Chùa Cái Bầu - Thiện viện Trúc Lâm Giác là công trình văn hóa tâm linh có kiến trúc và cảnh quan đẹp tọa lạc bên bờ Vịnh Bái Tử Long, nơi gắn liền với bao chiến công hiển hách của những anh hùng hào kiệt đã giữ vững cửa ải địa đầu của vùng Đông Bắc. Đây cũng là nơi còn ghi dấu những chiến công trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược của nhà Trần. Trải qua thời gian và những thăng trầm lịch sử, chùa đã bị hư hỏng nặng. Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước chùa đã được tôn tạo lại nhưng còn đơn sơ, thiếu quy hoạch. Từ năm 2007 chùa đã được quy hoạch đầu tư xây dựng lại khang trang, xứng với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của nơi đây. Chùa Cái Bầu mang dấu ấn, dấu tích giống các ngôi chùa cổ về cả kiến trúc, trang trí, phù điêu, hoa văn trang trí, bậc thang… Hiện tại Chùa đã hoàn thành các hạng mục: thiền viện - Chánh điện cao 2 tầng rộng 6.000 m2, cổng tam quan, nhà tổ, lầu chuông, thất ở hòa thượng, nhà khách chư tăng- chư ni, bến bãi đỗ xe... Giai đoạn II chùa Cái Bầu sẽ được tiếp tục đầu tư gồm: Thất đường trụ trì, thất chuyên tu, thiền đường, nhà trưng bày trai đường và dựng 1 tượng Phật cao 50 m trên đỉnh núi sau Thiền Viện

6. Hang Đầu Gỗ

Hang được chia làm ba ngăn chính. Ngăn phía ngoài có hình vòm cuốn tràn trề ánh sáng tự nhiên, trần hang là một bức "tranh sơn dầu" khổng lồ, mô tả phong cảnh thiên nhiên hoang sơ với những rừng măng đá, nhũ đá nhiều mầu tạo nên nhiều hình thù kỳ lạ tuỳ theo trí tưởng tượng phong phú của mỗi người: những đàn voi đang đi kiếm ăn, những chú hươu sao ngơ ngác, chú sư tử lim dim ngủ..., phía dưới là một chú rùa đang bơi giữa bể nước mênh mông. Đứng dưới vòm hang ta có cảm giác như đang đứng giữa một toà lâu đài cổ kính, có lối kiến trúc đồ sộ và hùng vĩ.

Vượt qua ngăn thứ nhất, qua một khe cửa hẹp, ta sẽ bước vào ngăn thứ hai của hang. ánh sáng chiếu vào đây mờ ảo, những bức tranh mới lạ hiện lên long lanh huyền bí. Những chùm hoa đá lúc ẩn lúc hiện, những hình ảnh vừa quen thuộc vừa xa lạ,... tạo cho con người vừa sợ sệt vừa tò mò.

Tới ngăn thứ ba của hang, lòng hang lại đột ngột mở rộng. Tận cùng hang là một chiếc giếng tiên bốn mùa nước ngọt trong vắt, chảy tràn trề. Bất giác ta nhìn lên phía trên trong ánh sáng mờ ảo, ta nhận ra bốn xung quanh là hình ảnh toà thành cổ, trên đó đang diễn ra một trận hỗn chiến của những chú voi, ngựa đang xung trận, người và ngựa chen chúc, gươm giáo tua tủa, tất cả như đang xông lên và bỗng dưng bị hoá đá.

Sở dĩ gọi là hang Đầu Gỗ, theo truyền thuyết xưa kể rằng: Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đã cho chuẩn bị nhiều cọc gỗ lim ở đây để cắm xuống lòng sông Bạch Đằng, tạo nên một trận thuỷ chiến vang lừng trong lịch sử. Sau đó còn rất nhiều mẩu gỗ sót lại vì vậy hang mang tên là hang Đầu Gỗ.

Lại có tên gọi là hang Giấu Gỗ vì theo truyền thuyết đây chính là nơi Trần Hưng Đạo cho giấu các cọc gỗ lim để chuẩn bị cho trận chiến Bạch Đằng chống quân Nguyên - Mông. 

Nếu động Thiên Cung hoành tráng tinh tế, hiện đại thì hang Đầu Gỗ trầm mặc uy nghi và rất đồ sộ. Cuốn Merveille de Monde (kỳ quan thế giới) của Pháp xuất bản năm 1938 chuyên về du lịch giới thiệu các danh thắng nổi tiếng thế giới đã gọi hang Đầu Gỗ là Grotte des merveilles (động của các kỳ quan). Điều đó hoàn toàn chính xác.

7.Hòn Đỉnh Hương

Hòn Đỉnh Hương nằm chắn ngang giữa con nước, nên rất giống tấm bình phong để che chắn. Khi thủy triều xuống, hòn Đỉnh Hương để lộ 4 chân uốn khúc. 

Phiến đá có hình một lư hương khổng lồ đứng giữa biển khơi như một vật thiêng cúng tế trời đất. Như nhắc nhở ta nhớ đến truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn ông cha và các bậc hiền nhân ngày trước đã có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc. 

8. Cát Bà

Vườn Quốc Gia Cát Bà được coi như một bảo tàng thiên nhiên như giữ nguồn gien của một số loài thảo mộc quý hiếm. Không những phong phú về thảo mộc mà Cát Bà còn là môi trường bảo tồn nhiều loại động vật quý hiếm, có trong danh mục sách đỏ của thế giới. Sắc xanh của núi đá, cây rừng và màu cẩm thạch của biển tạo cho Cát Bà một hoà sắc tuyệt vời. Hàng trăm dáng núi dị kỳ với những hang động đầy huyền bí. Nhiều vịnh biển nằm sâu trong lòng đảo với những dải cát nhỏ mịn màng, nước trong như ngọc làm cho quần thể san hô lung linh ngàn màu sắc.Trên đảo có những bất ngờ đến sửng sốt: hồ trên núi nước lặng như gương; Những cây và nước giống như cây Đước Cà Mau toả ra thành chùm bám lấy mặt nước trông thật đẹp mắt. Đồng cỏ giữa đảo bằng phẳng, một màu xanh đủ tầm nhìn được trải ra trước mắt gợi cho ta cảm giác đứng trước một thảo nguyên nào đó. Những con suối len lỏi sâu trong rừng sâu ngày đêm róc rách tạo ra những hợp âm của núi rừng, cho ta dòng nước ngọt trong lành. Và không thể nói đến hàng động xuyên núi giữa rừng sâu, hang luồn trong lòng núi trên biển, mỗi nơi một vẻ đẹp khác nhau. 

Thiên nhiên ưu đãi cho Cát Bà một vùng tài nguyên phong phú vô cùng. Rừng vàng, biển bạc, rừng Cát Bà có nhiều gỗ quý như Lát Hoa, Kim Giao, Đinh, Gội Nếp...Trong đó Kim Giao là loài cây quý hiếm trên thế giới. Rừng Cát Bà còn có hàng trăm loại dược liệu quý hiếm có giá trị, trên ba chục loài chim quý hiếm như: Đại Bàng, Đa Đa, Cu Gái, Hoạ Mi, chim Khách, Bìm Bịp, ... Đặc biệt là nhiều chim Cao cát, dân địa phương thường gọi là Phượng hoàng đá, các loài bò sát quý hiếm như Hỗ mang chúa nặng gần chục kg, Tắc kè hoa, Trăn gấm, Kỳ đà, Tê tê, Rắn biển không nơi nào có nhiều như Cát Bà. Thú quý trên đảo đủ các loại: Khỉ mặt đỏ, khỉ mặt vàng, Sơn dương, hoẵng, Rái cá, Chồn, sóc, cáo, cầy, nhím...Đặc biệt là voọc đầu trắng (Dân địa phương thường gọi là khỉ đen) Loại khỉ này chung sông theo đàn đây là loại động vật đã được ghi trong sách đỏ cần được bảo tồn của thế giới. Theo điều tra mới nhất của một tổ chức quốc tế và Vườn quốc gia Cát Bà hiện trên đảo còn 200 con.        

Khu vực biển của huyện đảo có nguồn hải sản vô tận với hơn 900 loài cá, hàng trăm loài thân mềm, 400 loài giáp xác. Các loài hải sản quý hiếm như tôm rồng, tôm he, cua, đồi mồi, sò huyết, trai ngọc, tu hài có giá trị dinh dưỡng cao, là nguồn hàng xuất khẩu đặc biệt. Đồi mồi hoa họ Rùa biển có mai đẹp là nguyên liệu cao cấp làm hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Khu vực áng thám thị trấn Cát Bà, là nơi trú ngụ sinh sản của loại Đồi mồi này trong khu vịnh Bắc Bộ. Vùng biển Cát Bà có loài cá Heo "Dan pin" cư trú. Đây là loài cá thông minh, hiền lành đồng thời là địch thù đáng gờm của loài cá mập hung giữ. Vì lẽ đó nên các bãi tắm khu vực trên đảo, loài cá mập không dám xuất hiện. 

Khí hậu ở Cát Hải mùa xuân ấm áp có mưa nhỏ, gió nhẹ, nắng nhiều. Tháng 5, tháng 6 gió nồm thổi mạnh. Mưa to bão lớn thường xuất hiện vào tháng bảy tháng tám, tháng chín tháng mười sương nhiều.

Tiềm năng kinh tế thực là phong phú, tự xa xưa vốn đã là như thế. Đại nam nhất thống chí đã ghi:..."Một vùng núi non dựng lên như ngọc, cá tôm nhiều như đất, dân đua nhau thu lượm, lúa má không có, thuế đánh không nhiều. Sóng vỗ dập dồn vách núi, thuyền xuyên vỉa đá mà đi. Nhân dân vui hưởng thái bình, đã hơn bốn chục năm không biết đến binh đao...". 

9. Động Thiên Cung 

Vé thăm động: 40,000 VND

Động nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long cách cảng tàu du lịch 4 km, trên đảo Đầu Gỗ ở độ cao 25 m so với mực nước biển. Đường lên động Thiên Cung vách đá cheo leo, hai bên cây che phủ um tùm. Qua một khe cửa hẹp, lòng động đột ngột mở ra khoảng không bên trên một mặt bằng hình tứ giác với chiều dài hơn 130 m. Càng vào trong ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hết sức sinh động và lộng lẫy do thạch nhũ tạo nên. Trên vách động phía đông là một bức tranh hoành tráng đồ sộ, trong đó nổi lên những nhân vật trong truyện cổ tích xưa, đường nét mềm mại uyển chuyển và vô cùng tinh tế sắc sảo tới từng chi tiết nhỏ, những khối điêu khắc dù là đồ sộ hay nhỏ bé đều được bàn tay của tạo hoá trau truốt tỉ mỉ. 

Ra khỏi động Thiên Cung, ta sẽ có cảm giác như vừa được xem một "bảo tàng mỹ thuật" vô cùng độc đáo, công phu, kỳ thú mà tất cả đều do bàn tay thần tình của tạo hoá làm nên, vượt khỏi tài trí và sức tưởng tượng của con người.

Động gắn liền với truyền thuyết về vua Rồng xưa. Chuyện kể rằng: "Sau khi vua Rồng giúp dân ta đánh tan giặc giã, vua Rồng trở về động của mình, năm ấy trời hạn hán nặng, dân tình mất mùa nhiều nên họ phải cầu cứu vua Rồng ra tay làm mưa. Bao nhiêu người đã ra đi mà không có ngày trở về. Không sợ nguy hiểm gian nan, có một đôi vợ chồng trẻ quyết tâm cùng nhau đi tìm gặp vua Rồng. Người con gái của họ ra đời được đặt tên là nàng Mây. Nàng Mây lớn lên đã làm xao xuyến trái tim Hoàng tử Rồng và tình yêu đã giúp họ tìm đến với nhau, đám cưới được tổ chức 7 ngày 7 đêm tại khu vực trung tâm động. Để chúc mừng đám cưới, những chú rồng bay lượn lúc ẩn lúc hiện trong rừng mây nhũ đá, những chú voi con công kênh nhau lên nhảy múa, những con mãng xà lớn trườn mình quấn quanh cây đa cổ thụ, hai chú sư tử đá nhảy múa bờm tóc tung bay, trên cao những chú đại bàng dang rộng đôi cánh khổng lồ. Một chú voi lớn được trang trí diêm dúa công phu đang nằm phủ phục chờ cô dâu chú rể bước xuống. Nam Tào, Bắc Đẩu tóc bạc như mây cũng đến dự tiệc vui, cảnh tượng vô cùng tưng bừng náo nhiệt". 

Trung tâm động là bốn cột trụ to lớn lực lưỡng chống đỡ thiên đình. Từ chân cột tới đỉnh đều được "chạm nổi" nhiều hình thù kỳ lạ như chim cá, cảnh sinh hoạt của con người, hoa lá cành... Trên vách động phía bắc là cảnh một bầy tiên nữ đang múa hát chúc mừng đám cưới. Dưới vòm động cao vút, từng chùm nhũ đá rủ xuống muôn màu tạo thành bức rèm đá tự nhiên lộng lẫy. Đâu đó có tiếng trống bập bùng như trong đêm hội làng xưa. Đó chính là tiếng gió thổi qua kẽ đá. Nhìn lên vòm động cao vút, màu thạch nhũ xanh như dát ngọc ta ngỡ như đang đứng trong cảnh bồng lai vậy.

Tới ngăn động cuối cùng, những luồng ánh sáng trắng xanh đỏ xen lẫn phối màu tạo nên khung cảnh hoa lệ. Một khe nước tự nhiên bốn mùa tuôn chảy róc rách, nơi đây có ba chiếc ao, nước trong vắt. Theo truyền thuyết, đây là nơi nàng Mây thường tắm cho 100 người con của mình và nuôi họ trưởng thành. Một con đường dẫn ra phía ngoài quanh co uốn khúc, đó chính là con đường mà nàng Mây cùng 50 người con của mình ra đi để khai phá vùng đất mới, 50 người con còn ở lại cùng với người cha xây dựng quê hương, di vật mà người mẹ để lại là bầu vú tiên tràn trề sức sống.

10. Đảo Tuần Châu

Vé: 100,000 VND

Đảo Tuần Châu nằm ở phía Tây Nam của thành phố Hạ Long. Đây là hòn đảo đất lẫn phiến thạch duy nhất trong 1.969 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong điểm kết nối của vùng Di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long. Đảo có diện tích khoảng 400 ha, được thiên nhiên ban phú cho một điều kiện tự nhiên tuyệt đẹp. Với thảm cát trắng mịn trải dài 6km, làn nước biển trong xanh bao quanh hơn 200 ha rừng thông xanh mướt. Khí hậu mát mẻ quanh năm đón gió biển thổi vào, đảo Tuần Châu xứng đáng là nơi để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp lý tưởng. 

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên huyền ảo đến quyến rũ, đắm say lòng người, đảo Tuần Châu còn là điểm di chỉ khảo cổ học thuộc nền Văn hoá Hạ Long thời hậu kỳ đồ đá mới với rất nhiều công cụ bằng đá đã tìm thấy như bàn mài, rìu đá, mảnh tước, đồ gốm... Đảo đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã chọn làm nơi nghỉ ngơi của Người cùng các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước khi Người về thăm đảo năm 1959. Hiện nay, ngôi nhà đơn sơ làm bằng tre nứa, song mây nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nghỉ khi ra thăm Hạ Long được bảo tồn nguyên vẹn và trở thành khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Trước năm 1997, Tuần Châu chỉ là một xã đảo nghèo với diện tích 250 ha trực thuộc thành phố Hạ Long, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề chài lưới với các phương tiện đánh bắt thô sơ. Trên đảo không có điện, không có nước, không có chợ… Đặc biệt là giao thông bị cách biệt với đất liền, khiến đời sống vật chất và văn hoá tinh thần của người dân vốn đã khó khăn lại càng thiếu thốn hơn. Từ năm 1998, cuộc sống của người dân Tuần Châu được bắt đầu cải thiện khi công ty Âu Lạc chính thức xây dựng con đường dài 2.145m, rộng 15m nối liền đảo với quốc lộ 18A, mở ra một trung tâm du lịch giải trí với rất nhiều các hạng mục công trình nổi tiếng. Bắt đầu từ đây, cái tên đảo Tuần Châu đã được biết đến trong và ngoài nước, trở thành nơi tổ chức các sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia và quốc tế. 

Hiện nay, đảo đã và đang tiếp tục được kiến tạo với hàng loạt các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp do Tập đoàn Tuần Châu thực hiện với mục đích “Biến Tuần Châu thành Ngọc Châu” như lời di huấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuần Châu - Ngọc Châu sẽ mãi là điểm đến không thể thiếu trong hành trình đối với mỗi du khách đến vịnh Hạ Long cũng như mỗi du khách quốc tế khi đến thăm Việt Nam.

11. Hang Sửng Sốt

Nằm ở khu vực trung tâm của Di sản Thế giới vịnh Hạ Long, hang Sửng Sốt trong đảo Bồ Hòn. Đây là một hang rộng và đẹp vào bậc nhất của vịnh Hạ Long và đây cũng là nơi tập trung nhiều đảo đá có hình dáng đặc sắc không nơi nào có được. Đường lên hang Sửng Sốt luồn dưới những tán lá rừng, những bậc đá ghép cheo leo, du khách vừa có được cái thú của người leo núi, vừa có cái háo hức như đang đi lên trời.

Hang được chia làm hai ngăn chính, toàn bộ ngăn đầu như một nhà hát lớn rộng thênh thang. Trần hang được phủ bằng một lớp "thảm nhung" óng mượt, vô số những "chùm đèn" treo bằng nhũ đá rực sáng long lanh, những tượng đá, voi đá, hải cẩu, mâm xôi, hoa lá... tất cả dường như đang rung rinh xao động giữa cõi thực và mơ. Chưa hết ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần kỳ ở ngăn đầu, ta bước vào ngăn thứ hai bằng một con đường nhỏ. Một luồng ánh sáng ùa vào rực rỡ, hang mở ra một khung cảnh mới hoàn toàn khác lạ, ngăn hang rộng mênh mông có thể chứa được hàng ngàn người. Đi vào trong cảnh trí còn lắm điều kỳ lạ, như cây đa cổ thụ tán lá sum suê, chú gấu biển, khủng long... Tới đỉnh cao nhất củahang, bất ngờ một khu "vườn thượng uyển" mở ra trước mắt ta, có hồ nước trong vắt, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, muôn loài cây cỏ cùng nhiều loài chim muông sinh sống. Từng đàn khỉ vẫn thường kéo nhau xuống đây tìm hoa quả làm náo động cả một vùng.

Động nằm ở vùng trung tâm du lịch của vịnh Hạ Long (bãi tắm Ti Tốp - hang Bồ Nâu - động Mê Cung - hang Luồn - hang Sửng Sốt) và được người Pháp đặt cho hang cái tên "Grotte des surprises" (động của sự sửng sốt). 

Từ bến tàu leo lên khoảng 50 bậc đá dựng đứng rồi lại đi xuống chừng mươi bậc đá nữa là đến cửahang với chiều cao khoảng 25 m. Động rộng khoảng 10.000 m2 với hàng ngàn măng đá, nhũ đá. Trong hang có một hệ thống đường đi lát đá dọc từ cửahang vào đến lối ra dài hơn 500 m. Hai bên lối đi là những cột đèn đường thấp vừa là cột giới chỉ đường vừa là vật trang trí, chiếu sáng. Hệ thống đèn chiếu sáng với những kiểu đèn trang nhã, ánh sáng dịu mắt càng tôn thêm vẻ đẹp của hang. 

Trong hang Sửng Sốt, trần hang cao 30 m có in hình các vết lõm nhỏ đều đặn và mịn màng như được trang trí bằng chất xốp, trông tựa như trần của nhà hát lớn, rất tráng lệ. Gần cửa nổi lên những khối đá khổng lồ chất cao từ mặt đất tới gần trần hang. Đây là một trong những hang động karst điển hình, có giá trị khoa học cao.

 

Ngay cạnh lối ra vào là nhũ đá có hình con ngựa và một thanh gươm dài. Truyền thuyết xưa kể rằng, sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đã giúp dân chúng ở đây đánh đuổi yêu ma, khi dẹp xong loạn Thánh Gióng bay về trời, để lại thanh gươm và con ngựa quý để trấn an dân chúng, xua đuổi yêu quái. Hiện nay trong hang còn nhiều hình ảnh tự nhiên dường như là những dấu tích của trận chiến ác liệt đó, vết chân ngựa Gióng trở thành những ao hồ nhỏ xinh xinh cùng nhiều tảng đá to lớn vỡ vụn.

 

Các bài viết liên quan