Trang chủ  >> Điểm đến du lịch  >>  Điểm đến du lịch miền Bắc  >> Du lịch Cát Bà

15/10/2012  |

2445   lượt xem  |

0   Nhận xét  

Huyện Cát Hải bao gồm quần đảo Cát Bà và đảo Cát Hải, nằm ở phía Đông Bắc thành phố Hải Phòng. Cát Hải là đảo cát bồi nằm giữa hai cửa sông Bạch Đằng và Nam Triệu, trên đảo có một thị trấn và 4 xã.

Cát Bà là quần thể các núi đá vôi nằm ở phía Nam vịnh Hạ Long, gồm 1 thị trấn và 6 xã. Dân số trung bình của huyện Cát Hải tính đến năm 2005 là 27.827 người.

Huyện Cát Hải phía Tây Bắc giáp huyện Yên Hưng - Quảng Ninh bằng dòng sông Phượng nối giữa Quảng Ninh và Hải Phòng. Phía Đông Bắc là vịnh Hạ Long. 3 mặt của Cát Hải là biển Đông, bao la bốn mùa sóng gió, hàng trăm ngọn hải đăng toả sáng đêm đêm dẫn đường cho tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng. Tổng diện tích của huyện đảo là 345 km2 kể cả rừng ngập mặn. Đảo Cát Hải có đặc thù riêng là dải cát bồi dễ bị xâm thực, biến dạng trước sóng gió thuỷ triều. 366 hòn đảo đá ngô lên từ biển hợp thành quần đảo Cát Bà nằm trong quần thể "vịnh Hạ Long" kỳ quan của thế giới. Độ cao của các ngọn núi Cát Bà trung bình là 200m so với mực nước biển. Cát Bà là đảo lớn nhất trong số các đảo thuộc vịnh Bắc Bộ.

Bởi cấu tạo núi đá vôi nên Cát Bà như được thiên nhiên tạo ra đầy dáng vẻ kỳ vĩ. Phủ trên địa hình hiểm trở là cả một thảm thực vật đa dạng và phong phú đầy hấp dẫn. Vườn Quốc Gia Cát Bà được coi như một bảo tàng thiên nhiên như giữ nguồn gien của một số loài thảo mộc quý hiếm. Không những phong phú về thảo mộc mà Cát Bà còn là môi trường bảo tồn nhiều loại động vật quý hiếm, có trong danh mục sách đỏ của thế giới. Sắc xanh của núi đá, cây rừng và màu cẩm thạch của biển tạo cho Cát Bà một hoà sắc tuyệt vời. Hàng trăm dáng núi dị kỳ với những hang động đầy huyền bí. Nhiều vịnh biển nằm sâu trong lòng đảo với những dải cát nhỏ mịn màng, nước trong như ngọc làm cho quần thể san hô lung linh ngàn màu sắc.Trên đảo có những bất ngờ đến sửng sốt: hồ trên núi nước lặng như gương; Những cây và nước giống như cây Đước Cà Mau toả ra thành chùm bám lấy mặt nước trông thật đẹp mắt. Đồng cỏ giữa đảo bằng phẳng, một màu xanh đủ tầm nhìn được trải ra trước mắt gợi cho ta cảm giác đứng trước một thảo nguyên nào đó. Những con suối len lỏi sâu trong rừng sâu ngày đêm róc rách tạo ra những hợp âm của núi rừng, cho ta dòng nước ngọt trong lành. Và không thể nói đến hàng động xuyên núi giữa rừng sâu, hang luồn trong lòng núi trên biển, mỗi nơi một vẻ đẹp khác nhau. 

Nếu như Cát Bà được hình thành bởi hàng trăm ngọn núi đá thì đảo Cát Hải mang nét đặc thù riêng biệt. Cát Hải được tạo nên bởi cát sa bồi. Đây là đảo duy nhất không có núi, bằng phẳng. Mỗi xã trên đảo lại như là một đảo cát riêng biệt nối liền với nhau bằng hệ thông đê kè vừa là đường liên xã, vừa là vành đai bảo vệ đảo. Cát Hải, đảo cát được viền quanh bằng gần 20km đê kè hiên ngang nhô ra biển thách thức giúp thiên nhiên về sức mạnh của con người. Những hàng dừa và phi lao quang năm xanh tốt vươn ra trước sóng gió khẳng định thêm ý chí của người dân trên đảo. 

Cát Hải, Cát Bà quả là một công trình thiên nhiên tuyệt tác không thua kém các danh thắng nổi tiếng của nước ta.

Thiên nhiên ưu đãi cho Cát Bà một vùng tài nguyên phong phú vô cùng. Rừng vàng, biển bạc, rừng Cát Bà có nhiều gỗ quý như Lát Hoa, Kim Giao, Đinh, Gội Nếp...Trong đó Kim Giao là loài cây quý hiếm trên thế giới. Rừng Cát Bà còn có hàng trăm loại dược liệu quý hiếm có giá trị, trên ba chục loài chim quý hiếm như: Đại Bàng, Đa Đa, Cu Gái, Hoạ Mi, chim Khách, Bìm Bịp, ... Đặc biệt là nhiều chim Cao cát, dân địa phương thường gọi là Phượng hoàng đá, các loài bò sát quý hiếm như Hỗ mang chúa nặng gần chục kg, Tắc kè hoa, Trăn gấm, Kỳ đà, Tê tê, Rắn biển không nơi nào có nhiều như Cát Bà. Thú quý trên đảo đủ các loại: Khỉ mặt đỏ, khỉ mặt vàng, Sơn dương, hoẵng, Rái cá, Chồn, sóc, cáo, cầy, nhím...Đặc biệt là voọc đầu trắng (Dân địa phương thường gọi là khỉ đen) Loại khỉ này chung sông theo đàn đây là loại động vật đã được ghi trong sách đỏ cần được bảo tồn của thế giới. Theo điều tra mới nhất của một tổ chức quốc tế và Vườn quốc gia Cát Bà hiện trên đảo còn 200 con.

Khu vực biển của huyện đảo có nguồn hải sản vô tận với hơn 900 loài cá, hàng trăm loài thân mêm, 400 loài giáp xác. Các loài hải sản quý hiếm như tôm rồng, tôm he, cua, đồi mồi, sò huyết, trai ngọc, tu hài có giá trị dinh dưỡng cao, là nguồn hàng xuất khẩu đặc biệt. Đồi mồi hoa họ Rùa biển có mai đẹp là nguyên liệu cao cấp làm hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Khu vực áng thám thị trấn Cát Bà, là nơi trú ngụ sinh sản của loại Đồi mồi này trong khu vịnh Bắc Bộ. Vùng biển Cát Bà có loài cá Heo "Dan pin" cư trú. Đây là loài cá thông minh, hiền lành đồng thời là địch thù đáng gờm của loài cá mập hung giữ. Vì lẽ đó nên các bãi tắm khu vực trên đảo, loài cá mập không dám xuất hiện. 

Khí hậu ở Cát Hải mùa xuân ấm áp có mưa nhỏ, gió nhẹ, nắng nhiều. Tháng 5, tháng 6 gió nồm thổi mạnh. Mưa to bão lớn thường xuất hiện vào tháng bảy tháng tám, tháng chín tháng mười sương nhiều. 

Tiềm năng kinh tế thực là phong phú, tự xa xưa vốn đã là như thế. Đại nam nhất thống chí đã ghi:..."Một vùng núi non dựng lên như ngọc, cá tôm nhiều như đất, dân đua nhau thu lượm, lúa má không có, thuế đánh không nhiều. Sóng vỗ dập dồn vách núi, thuyền xuyên vỉa đá mà đi. Nhân dân vui hưởng thái bình, đã hơn bốn chục năm không biết đến binh đao...".

Qua các thời kỳ lịch sử, Cát Hải có nhiều tên gọi khác nhau như: Nghiêu phong, Ân phong, Chi phong, Hoa phong, Cát hải. 

Các làng xã trên đảo nằm sát biển tiện cho nghề nghiệp đánh bắt. Làng xã khu Cát Bà nằm ở thung lũng có thế mở nhìn ra biển, nơi có dòng nuwowcs ngọt quanh năm, trên bến dưới thuyền. Do đặc điểm sống gắn bó với biển nên chèo thuyền, đua thuyền là sinh hoạt văn hoá, hội đua thuyền chính là ngày hội xuống nước của các làng chài Cát Hải. Chính ở nơi đầu sóng ngọn gió, với sức sống, tinh thần lao động sáng tạo, người dân ở đây đã để lại những giá trị văn hoá độc đáo. Trên thị trấn Cát Bà ngày nay còn lại dấu tích nơi đền thờ các bà trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm phương Bắc. Hòn cẩm thạch của làng Gia Luận đã từng là nơi tập kết dấu cọc gỗ lấy từ Vân đồn để góp phần làm lên chiến thắng quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng Giang của Ngô quyền năm 938. Ngôi miếu cổ Văn Chấn - xã Văn Phong có kiến trúc tinh xảo vào Hậu Lê (Thế kỷ XV) "Tân tạo thạch bia" chùa Gia Lộc với khối đá bốn mặt trạm khắc hoa văn sinh động hiếm thấy được tạo dựng từ thời "Cảnh Thịnh tứ niên" năm 1797. Đình Đôn Lương nghệ thuật kiến trúc điêu khắc tuyệt diệu thể hiện tài nghệ một thời. Tại xã Xuân Đám còn lại một phần kiến trúc bức tượng thành xếp đá được xây dựng từ thời nhà Mạc thế kỷ XVI. Chùa Hoà Hy (Hoà Quang) còn tương đối nguyên vẹn, có nhiều pho tượng độc đáo, những nét hoa văn trạm trên bia đá hiếm thấy trên các bia chùa của miền Bắc. Văn bia đình làng Hoàng Châu còn lưu danh các sinh đồ Quốc Tử Giám: Nguyễn khắc Minh, Bùi Quang Trịnh, Vũ Tiến Tước là người làng Hoàng Châu đã học hành đỗ đạt tại cơ quan học viện cao nhất nước ta thời kỳ tiền Lê Hoàng Triều. Người dân trên đảo có quyền tự hoà về con đường học hành, đỗ đạt của cha ông một thời.

Có thể nói văn hoá của huyện đảo Cát Hải phong phú đa dạng bởi lẽ người dân định cư trên đảo có nguồn gốc từ nhiều nơi họp thành là cộng đồng những người sống bằng nghề biển vùng Duyên Hải.

Môi trường thiên nhiên của Cát Hải đã là cái nôi của người từ cổ xưa. Các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật 17 địa điểm trên đảo Cát Bà. Kết quả cho thấy có tới 15 điểm có dấu tích của người cổ xưa như hang Eo bùa thuộc xã Hiền Hào, Tùng Bà thuộc Vườn Quốc Gia, Bờ Đá, Khoăn Mui thuộc xã Trân Châu, Áng Giữa thuộc xã Việt Hải.

Đặc biệt là di chỉ Cái Bèo được một nhà khảo cổ người Pháp phát hiện năm 1938, qua nhiều lần khai quật và kết quả phân tích Điôxit cácbon cho biết người Việt cổ có mặt ở đây cách ngày nay trên 6.000 năm. Trong tầng đất trên của di chỉ Cái Bèo còn có một tầng di chỉ chứa những di vật tiêu biểu thuộc nền văn hoá Hạ Long. Trong lớp đất này có ít xương động vật. Những hiện vật ở đây mang đủ loại hình của nền văn hoá Hạ Long đồng thời còn có những đặc điểm riêng biệt cho thấy con người của nền Hạ Long đến đây sinh sống vào giai đoạn muộn, giai đoạn phát triển cao của nền văn hoá này. Giữa hai tầng trên và dưới của di chỉ Cái Bèo là một lớp san mỏng không chứa các di vật hoặc xương các động vật. Điều này chứng tỏ trước đây đã có một thời nước biển dâng lên tràn ngập lớp dưới để lại dấu tích của biển ngăn cách giữa hai nền văn hoá sớm và muộn. Di chỉ Cái Bèo có giá trị lịch sử lớn khẳng định người Việt cổ đã cư trú tại vùng đất này từ rất xa xưa.

Huyện đảo Cát Hải có biết bao truyền thuyết, thần thoại được thêu dệt bằng trí tuệ, tình cảm của người dân trên đảo từ bao đời.

Chuyện kể rằng đã từ lâu lắm, vùng đảo núi đá này từng là hậu cứ của các bà trồng tỉa, hái lượm, cung cấp lương thực thực phẩm cho các ông ở phía trước chống lại giặc giã, khi chúng tới đánh chiếm đảo. Cũng từ trận chiến đấu này đã xuất hiện nhiều nữ tướng dũng cảm nên người đời xưa đã đặt tên cho đảo này là đảo Các Bà rồi sau này gọi lệch đi là đảo Cát Bà. Cũng từ tên gọi truyền thống này mà từ đó đến nay phụ nữ trên đảo luôn phát huy vai trò trong công cuộc xây dựng, bảo vệ huyện đảo. Những tên gọi cát Phù Long, núi Đầu Voi, sông Phượng... mỗi địa danh là một sự tích hào hùng. Người huyện đảo không thể không tự hào về truyền thống của mình. Trên mảnh đất của làng nghĩa Lộ ngày nay còn tồn tại một ngôi miếu thờ người phụ nữ đã sinh ra người trai làng dũng cảm Hùng Sơn. Hùng Sơn là người đã có công tham gia đánh giặc Ân đời vua Hùng thứ sáu. Truyền thuyết về người trai làng dũng cảm Hùng Sơn như một nét nhạc hùng, âm vang tinh thần yêu nước của một người dân trên mảnh đất này

Do có đặc điểm địa hình núi rừng hiểm trở, tài nguyên phong phú, từ xa xưa các nhà quân sự đã rút ra một kết luận:

"Thắng vi đế vi vương

 Bạ Cát Bà vi cứ" 

Đảo Cát Bà đã từng là căn cứ của bao cuộc khởi nghĩa. Năm 1750 thủ lĩnh nông dân Nguyễn Hữu Cầu (tức Quận He) dấy quân chống lại chế độ phong kiến nhà Trịnh đã lấy đảo Cát Bà làm căn cứ. Khi triều đình nhà Nguyễn bán rẻ đất nước cho Pháp, người dân trên đảo đã phẫn uất không kém gì nỗi phẫn uất của nhân dân cả nước. Năm 1893 khi quân Pháp đổ bộ lên đảo Cát Bà, ngư dân trên đảo đã tổ chức chiến đấu đánh trả quyết liệt. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa của Hoàng Thống Tề người trai làng Trân Châu đã dựng cờ khởi nghĩa chống lại hành động bán nước của nhà Nguyễn (vào năm 1873 - 1874). Từ đất Cát Bà , nghĩa quân đi tới đâu bọn quan lại phong kiến bị đánh tan tới đó, càng đánh càng mạnh. Khi cuộc khởi nghĩa lan rộng tới Quảng Yên - Hải Dương tràn xuống Thái Bình, triều đình nhà Nguyễn đã phải tập trung lực lượng đối phó. Trên đường biển, em gái Hoàng Thống Tề là bà Hoàng Lan Vù cũng đã huy động một đạo quân tiên theo bờ biển về hợp với đạo quân của ông Hoàng Thống Tề tại Thái Bình. Đứng trước sức mạnh của đội quân triều đình, cuộc khởi nghĩa của hai anh em Hoàng Thống Tề và Hoàng Lan Vù đã bị dập tắt. Cuộc khởi nghĩa này đã khẳng định lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của người dân trên đảo nói chung và phụ nữ Cát Hải nói riêng.

Vào những năm 1889 - 1893 phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Bắc Kỳ dấy lên mạnh mẽ. Thực dân Pháp và triều đình phong kiến thẳng tay đàn áp phong trào. Tiền Đức, một thủ lĩnh nghĩa quân miền Duyên hải đã lui quân về đảo Cát Bà xây dựng củng cố lực lượng, vùng núi non hiểm trở Cát Bà trở thành một trong những căn cứ chính của nghĩa quân. Tiền Đức đã dựa vào địa hình vùng Trung Trang, Mái Gợ, Trà Báu xây dựng đồn điền, đồn trung, đồn hậu. Cả căn cứ được bố phòng như một trận địa cố thủ kiên cố với bẫy đá hầm chông. Dân trên đảo tích cực tham gia phong trào của nghĩa quân. Tiền Đức đã chọn lựa một số dân địa phương trong đội quân của mình để giao nhiệm vụ quan trọng.

Huyện đảo Cát Hải cũng như biết bao miền quê trên đất nước chúng ta, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, mỗi trang đều thấm đầy máu, mồ hôi và nước mắt. Từ thuở bình minh dựng nước, Cát Hải đã có những trang đầu đẹp đẽ, người Việt cổ đã từng sinh sống trên mảnh đất này. Di chỉ Cái Bèo là minh chứng cho niềm tự hào của mỗi người dân trên đảo. Con người Cát Hải từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác luôn luôn củng cố truyền thống cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Bằng đức tính cần cù trong lao động, con người huyện đảo đã không ngừng tô đẹp cho thiên nhiên ngày một hoàn thiện hơn.

Rừng quốc gia Cát Bà.

Loại rừng nguyên sinh trên hải đảo (thuộc Hải Phòng). Cát Bà là tên lớn nhất trong hệ thống quần đảo bao gồm 366 hòn lớn nhỏ, (lập thành huyện đảo) cách thành phố Hải Phòng gần 70km, tiếp nối với các hòn đảo nằm trong vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Theo truyền thuyết địa phương thì tên Cát Bà còn được đọc tên Các Bà. Vì có một thời các bà, các chị ở đây đứng ra lo việc hậu cần cho các ông đánh giặc trên một hòn đảo lân cận. Đảo có tên là đảo các Ông. Như vậy, Cát Bà là đọc chệch của các Bà.

Trên đảo chính có thảm rừng nhiệt đới xanh tươi quanh năm. Đây là một khu rừng nguyên sinh và là một trong những khu vườn quốc gia lớn nhất đất nước. Diện tích quy hoạch bảo vệ là 15.200 ha, gồm 9.800 ha và 4.200 ha biển. Rừng Cát Bà được công nhận là vườn quốc gia từ ngày 23.05.1983.

Hệ động vật có tới 20 loài thú, 69 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng cư. Những loài thú hiếm là voọc đầu trắng sống ở vách núi đá cheo leo; khỉ lông vàng, sơn dương và nhiều loài chim đẹp như cao cát, bói cá, hút mật, đầu rìu. Ở Cát Bà cũng có chim yến và rùa biển được chăm sóc bảo tồn. Hệ thực vật trong bảng tạm kê có 495 chi, 149 họ, trong đó có 250 loài cây thuốc. Nhiều cây cần bảo tồn như chò chỉ, trai lý, lát hoa, kim giao và cọ Bắc Sơn.

Trên đảo có hệ sinh thái rừng ngập mặn, trên núi đá vôi có cả ao, hồ, suối ngầm, nước ngọt cùng suối nước khoáng có cả khả năng chữa trị bệnh, nhất là thấp khớp.

Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới: đó là công bố được đưa ra trong cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tổ chức tại Hà Nội hôm (17-3) vừa qua.

Tại cuộc họp, các nhà tổ chức cho biết: UNESCO đã chính thức công nhận quần đảo Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới trong kỳ họp của hội đồng quốc tế về phối hợp chương trình con người và sinh quyển tổ chức tại Paris ngày 29-10-2004.

Với quyết định này, Việt Nam đã có 4 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận là: khu dự trữ sinh quyển ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM), khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyển vùng châu Thổ sông Hồng và khu dự trữ sinh quyển Cát Bà.

Việc quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, du lịch, thúc đẩy ngành nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Sự công nhận của UNESCO sẽ tạo điều kiện cho đảo Cát Bà (Hải Phòng) tham gia vào mạng lưới nghiên cứu khoa học, được quốc tế hỗ trợ công tác nghiên cứu môi trường và đa dạng sinh học.

Cho đến nay, UNESCO đã công nhận 459 khu dự trữ sinh quyển thuộc 97 nước.

Vịnh Lan Hạ

Vịnh ở phía Đông đảo Cát Bà, trông ra cửa Vạn, liền kề vịnh Hạ Long. Vịnh rộng trên 7000ha, trong đó có 5400ha là khu vực quản lý của Vườn Quốc gia Cát Bà.

Cảnh trí ở đây đẹp không kém gì vịnh Hạ Long, không những thế còn có những nét riêng độc đáo. Mật độ núi đá vôi ở đây khá dầy, còn rất hoang sơ, chia cắt mặt biển thành những áng, vịnh nhỏ. Nhiều áng, vịnh, hang động chưa được khám phá. Có tới hàng trăm ngọn núi với nhiều dáng vẻ tùy theo sự tưởng tượng của du khách như: Hòn Guốc (giống cái guốc), hòn Dơi (giống con dơi đang dang cánh)...

Khác với vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ có 139 bãi cát nhỏ xinh, tinh khiết. Nhiều bãi cát xoải dài giữa hai khối núi đá, yên tĩnh không có sóng lớn, thực sự là những bãi tắm lý tưởng. Dưới làn nước trong xanh là những bãi san hô nhiều màu sắc như bãi Vạn Bội, Vạn Hà,... Du lịch lặn sẽ

Bằng thuyền nhỏ du khách có thể lách qua các khe núi du ngoạn trong áng, vịnh nhỏ thăm các hang động, nghỉ ngơi trên các bãi tắm giữa biển như áng Vẹm, hang Tùng Gấu, bãi Cát Dứa. Bãi Cát Dứa hiện nay có nuôi khỉ cho khách tham quan và có nhà nghỉ cho khách ngủ qua đêm. Đặc biệt du khách có thể tham quan các cơ sở nuôi ngọc trai đang phát triển ở đây.

Đặc sản ở đây là vẹm xanh, tu hài, cá giò, cua, ghẹ... Nhiều nhà bè nuôi cá trên vịnh vừa là nơi thăm quan vừa là nơi cung cấp cá, tôm tươi sống theo nhu cầu ẩm thực hàng ngày của khách.

Vịnh Lan Hạ nối liền vịnh Hạ Long, một kỳ quan thiên nhiên của thế giới và Việt Nam, với hàng ngàn đảo đá nổi giữa biển xanh, muôn hình, muôn vẻ. Có đảo hình cánh buồm, hình gà chọi, hình con rùa, hình ngọn tháp. Hạ Long có nghĩa là rồng xuống.

Dân chài ở Hạ Long kể rằng: Ngày xưa, một lần để giúp nhân dân bảo vệ đất nước, Trời đã sai Rồng mẹ cùng một đàn rồng con hạ giới. Rồng mẹ và rồng con bèn phun ra châu ngọc. Những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn đảo đá màu ngọc thạch ngăn không cho giặc ngoại xâm tiến vào Việt Nam. Giặc tan, mẹ con nhà Rồng không về trời nữa mà ở lại trần gian. Chỗ rồng mẹ xuống nước gọi là vịnh Hạ Long. Chỗ rồng con xuống nước gọi là vịnh Bái Tử Long. Chỗ đuôi rồng quẫy lên trắng xoá gọi là đảo Bạch Long Vĩ.

Nhìn từ xa, vịnh Hạ Long như được vây bọc bởi một bức trường thành, mặt nước yên tĩnh là nơi tránh bão tố rất tốt của tàu thuyền và cũng là nơi khai thác được nhiều hải sản quý hiếm như ngọc trai, tôm hùm,...

Ngoài ra còn có đảo Bồ Câu, đảo Chim, đảo Khỉ, đảo Cát, đảo Cam, cây Trúc mọc ngược.v.v...

 

 

Từ khóa : ,

 

Các bài viết liên quan